KHOA KIẾN TRÚC- TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

Kỹ thuật phối màu ván mỏng để tạo vân, hoa văn gỗ kỹ thuật trang sức

Ngày đăng: 09/03/2020 18:33 | Xem: 712
Để chế tạo vân thớ, hoa văn cho gỗ kỹ thuật trang sức cần kết hợp những loại gỗ có màu sắc khác nhau để tạo nên khối gỗ kỹ thuật có màu sắc khác với gỗ nguyên liệu và vân thớ mô phỏng vân thớ của một loài gỗ tự nhiên nào đó hoặc vân và hoa văn thiết kế mới. Nhưng những lớp ván mỏng từ gỗ tự nhiên có màu sắc tương phản nhau để tạo thành tổ hợp màu sắc, vân thớ, hoa văn gỗ kỹ thuật trong thực tế không có nhiều. Vì vậy, để tạo khối gỗ kỹ thuật có màu sắc, vân gỗ đa dạng cần phải tẩy trắng, nhuộm màu và phối hợp ván mỏng.
Gỗ kỹ thuật có tính năng trang sức được được hình thành từ các lớp ván mỏng có màu sắc khác nhau. Không chỉ gỗ kỹ thuẫt trang sức mà ngay cả gỗ kỹ thuật chịu tải trọng cũng vẫn cần có màu sắc với môi trường chịu tải hoặc không gian sử dụng. Vì vậy, phối hợp các loại ván mỏng có màu gỗ khác nhau trong một cấu trúc sản phẩm kết hợp với các kỹ thuật khác để tạo nên các vân gỗ và màu sắc hấp dẫn thị giác hơn hẳn màu sắc vân thớ gỗ nguyên liệu gốc là cả một nghệ thuật. Nhưng để phối hợp được màu của các loại gỗ với nhau trong một sản phẩm gỗ màu sắc hài hoà đẹp mắt cần phải nhận biết được chúng.
 
            Sơ bộ về màu sắc và ánh sáng.
 
Màu sắc là gì? Cho đến nay một định nghĩa đầy đủ về màu sắc vẫn chưa được các nhà khoa học thống nhất. Trong khi đó, màu và sắc cũng là hai sự khác nhau. Người ta cho rằng một vật thể, tự nó không có màu sắc, nếu để một vật trong không gian kín tuyệt đối, không có ánh sáng, mắt người không nhìn thấy gì, ngoài không gian đen bao trùm. Nhưng chỉ một chút ánh sáng, mắt người đã có thể lờ mờ nhận thấy hình dáng của vật thể. Như vậy, mắt người cảm nhận được màu sắc của vật thể là nhờ ánh sáng chiếu vào. Nhưng ánh sáng cũng không có màu. Ánh sáng là một dạng bức xạ điện từ (tuy nhiên theo quan niệm mới về ánh sáng thì lượng tử ánh sáng có cấu trúc hạt – phản hạt, được sinh ra từ mọi loại hạt có khối lượng bị hủy chứ không phải chỉ đối với hạt mang điện. Hiện tượng ánh sáng không chỉ xuất phát từ dao động điện mà còn xuất phát từ dao động nhiệt (dao động của nguyên tử, các hạt của nguyên tử) như những quan sát thông thường đã thấy. Trong dải sóng điện từ, vùng bước sóng của ánh sáng nhìn thấy được rất ngắn, nằm sau vùng tia tử ngoại và nằm trước vùng tia hồng ngoại. Tia hồng ngoại là những bức xạ không nhìn thấy được có bước sóng từ 0,76 µm  đến vài mm. Tia cực tím cũng là những bức xạ không nhìn thấy, có bước sóng từ vài nanomet đến 0,38µm . Như vậy, ánh sáng là bức xạ điện từ nằm trong vùng quang phổ có bước sóng 380 nm – 760 nm, tần số 790 THz – 430 THz, năng lượng photon 1,7 eV – 3,3 eV, mắt người có thể nhìn thấy.
Trong những trường hợp cụ thể, ánh sáng có tên gọi riêng như ánh sáng do mặt trời phát ra gọi là nắng (ánh nắng), do mặt trăng phát ra gọi là sáng trăng hay ánh trăng, ánh sáng từ các vì sao gọi là ánh sao. Ánh sáng do đèn chiếu gọi là ánh đèn. Ánh sáng phát ra từ đom đóm, và các loại vật, côn trùng khác …, gọi là ánh sáng sinh học. Ánh sáng do củi gỗ và nhiên liệu khác cháy gọi là ánh lửa. Ánh sáng do hiện tượng phóng điện trong tự nhiên khi giông bão gọi là ánh chớp hoặc tia chớp. Ánh sáng phát ra khi hàn điện gọi là hồ quang … Như vậy, tuỳ vào nguồn phát khác nhau mà ánh sáng có nhiều dạng khác nhau phụ thuộc vào các bước sóng khác nhau, nhưng đều nằm trong vùng quang phổ mắt người nhận biết, còn gọi là vùng ánh sáng khả kiến. Ở ngoài vùng ánh sáng khả kiến mắt người không nhìn thấy được. 
Ánh sáng trắng gồm tất cả các ánh sáng đơn sắc có bước sóng nhìn thấy hoà với nhau theo một tỷ lệ đồng nhất. Khi ánh sáng chiếu vào mọi vật, mỗi vật do cấu tạo khác nhau lại hấp thụ một loại ánh sáng có bước sóng khác nhau. Những ánh sáng có bước sóng không bị hấp thụ sẽ phản xạ lại không gian ban đầu và mắt người cảm nhận những ánh sáng đó. Ngay trong một vật, nếu có cấu tạo không giống nhau, khi chiếu ánh sáng vào thì sự hấp thụ ánh sáng ở những nơi cấu tạo khác nhau của vật đó cũng khác nhau và các bước sóng phản xạ lại không gian cũng khác nhau. Mắt người quan sát sẽ cảm nhận được những tia phản xạ có bước sóng khác nhau và biết được những chỗ khác nhau về màu sắc của vật. Như vậy, muốn cho một vật có màu sắc giống nhau, cần làm cho vật có khả năng hấp thụ ánh sáng giống nhau ở mọi điểm trong cấu trúc bề mặt của vật. Nghĩa là, thay đổi khả năng hấp thụ ánh sáng khác nhau ở những chỗ khác nhau của vật thành khả năng hấp thụ ánh sáng giống nhau ở mọi điểm của một vật. Ngoài ra, khi các tia phản xạ ra khỏi vật có thể gặp nhau tạo nên hiện tượng nhiễu xạ hoặc giao thoa ánh sáng. Do đó hiện tượng màu sắc của bề mặt cũng có thể gây nên những cảm nhận khác nhau của người quan sát.
Các nhà nghiên cứu chuyên sâu về màu sắc chỉ ra hiện tượng cộng và trừ màu. Nếu chọn xếp hai hoặc nhiều màu đúng quy luật có thể tạo nên những hiệu ứng màu sắc đặc biệt. Ví dụ, theo luật cộng màu, nếu để màu đỏ hòa với lục (tỉ lệ bằng nhau) được màu vàng, màu lục hoà với màu lam cho được màu xanh lá mạ. Hoà màu đỏ với màu lục và màu lam cùng một tỷ lệ được màu trắng. Còn theo lý thuyết trừ màu, lấy màu trắng trừ màu lam được màu vàng … Tất nhiên, đó là lý thuyết, còn ứng dụng luật cộng màu và trừ màu vào thực tế, thành công đến mức nào không hề đơn giản. Vì thế, phối màu của các vật thể nói chung và tẩy trắng, nhuộm màu, phối màu ván mỏng để tạo màu sắc mới cho gỗ kỹ thuật vừa là nghệ thuật vừa là khoa học.
 
Tẩy trắng ván mỏng
 
Các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ tẩy trắng gỗ thường tập trung theo hai hướng chủ yếu, thứ nhất là sử dụng dung môi (hữu cơ hoặc vô cơ) chiết xuất bộ phận phát màu trong gỗ, thứ hai là dùng hoá chất phá huỷ gốc C=O và các liên kết nguyên tử các bon làm thay đổi khả năng hấp thụ ánh sáng theo hướng làm cho gỗ nhạt màu hơn.
Thực chất màu sắc của gỗ không phải tự nó có, mà do ánh sáng chiếu vào cấu tạo của chúng và mắt người cảm nhận được quyết định. Khi ánh sáng chiếu vào ván mỏng, tuỳ theo khả năng hấp thụ các tia sáng đơn sắc cụ thể (với các bước sóng cụ thể) và các tia sáng đơn sắc khác không bị hấp thụ phản xạ trở lại môi trường mà mắt người thu nhận được. Mỗi vị trí của tờ ván mỏng có cấu tạo giống hoặc khác nhau sẽ hấp thụ các tia sáng cùng loại hoặc khác loại, và các tia sáng đơn sắc còn lại giống nhau hoặc khác nhau sẽ cho các tia phản xạ giống hay khác nhau mà mắt người cảm nhận được màu sắc giống hay khác nhau ở những vị trí khác nhau của tờ ván mỏng.
Vì vậy, tẩy trắng gỗ cũng như tẩy trắng ván mỏng phải được hiểu là sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm cho khả năng hấp thụ ánh sáng đơn sắc trên toàn bộ bề mặt gỗ hay bề mặt ván mỏng có khả năng hấp thụ tia sáng đơn sắc từ ánh sáng trắng chiếu vào hoàn toàn giống nhau và phản xạ của những tia sáng đơn sắc còn lại trên mặt gỗ và tờ ván mỏng như nhau ở mọi vị trí.
  




 
Hình 1. Vân thớ gỗ Cao su
 

 
Hình 2. Vân thớ gỗ Xà cừ
 
 
 


 
Hình 3. Tạo vân gỗ kỹ thuật từ gỗ Cao su và gỗ Xà cừ
 
.......CÒN TIẾP.....
.
.
.
.
.